Social Icons

Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Mức hoàn lại, khung giao dịch, hỗ trợ và kháng cự

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Bài 4: MỨC HOÀN LẠI, KHUNG GIAO DỊCH, HỖ TRỢ VÀ KHÁNG CỰ


I. Mức hoàn lại (Retracement):


Trong bất kì một đồ thị nào ta đều thấy sau một giai đoạn giá chuyển động theo xu hướng của thị trường thì giá sẽ hoàn lại một chút trước khi quay trở lại chuyển động theo xu hướng cũ. Những chuyển động ngược xu hướng này thường có độ lớn ở vào những khoản có thể dự đoán được và được gọi là mức hoàn lại. Mức hoàn lại trung bình thường gặp nhất là 50%. Bên cạnh đó còn có các mức hoàn lại thường thấy khác đó là các mức 1/3 và 2/3. 

Nói cách khác, nếu chia một xu hướng giá thành ba phần thì nói mức hoàn lại thấp nhất là 33% và cao nhất là 66%, có nghĩa là ở giai đoạn điều chỉnh của xu hướng đó giá sẽ hoàn lại ít nhất 1/3 mức tăng (hay giảm) mà nó đạt được trong xu hướng trước đó và mức hoàn lại đó không vượt quá 2/3 mức tăng (hay giảm) trước đó đạt được. Nếu mức hoàn lại cao hơn thì khả năng sẽ xảy ra sự đảo chiều thị trường tức là giá sẽ chuyển động theo xu hướng đảo ngược xu hướng trước mà không quay lại chuyển động theo xu hướng đó.

II. Khung Giao Dịch (Trading Range):


Thị trường có thể ở một trong 3 xu hướng là xu hướng tăng giá (untrend), xu hướng giảm giá (downtrend) và xu hướng dập dềnh (sideways). Nhiều người cho rằng thị trường chỉ có thể tăng giá hoặc giảm giá, nhưng thực tế có đến 1/3 thời gian giá chuyển động theo một hình mẫu dạng ‘phẳng’ (flat) nằm ngang gọi là khung giao dịch. Khung giao dịch là một dải nằm ngang trên đồ thị trong đó bao gồm các dao động của giá trong một giai đoạn dài. Nói chung hầu hết các biến động của thị trường sẽ diễn ra bên trong khung giao dịch. Tuy nhiên khi thị trường có biến động dạng khung giao dịch thì lại rất khó kiếm được lợi nhuận. Khung giao dịch phản ánh thời kỳ mà áp lực cung cầu là tương đối cân bằng và giá duy trì ở mức cân bằng thị trường. Đôi khi người ta còn gọi thời kỳ mà giá biến động theo khung giao dịch là thời kỳ không có xu hướng thị trường (non-trend martket). Hầu hết các công cụ phân tích kỹ thuật đều được tạo ra để có thể áp dụng vào các thị trường có xu hướng tăng giá hoặc giảm giá rõ rệt còn khi thị trường ở dạng không có xu hướng rõ rệt thì các công cụ này nhìn chung hoạt động kém hiệu quả, thậm chí là không thể áp dụng. Đây cũng chính là thời kỳ gây khó chịu nhất cho những người đi theo Phân tích kỹ thuật và gây ra nhiều mức lỗ nhất. Trong những tình huống ấy nhà đầu tư luôn phải đối mặt với một trong ba quyết định là mua, bán hay đứng ngoài không tham gia vào thị trường và thông thường thì quyết định không tham gia vào thị trường luôn là quyết định sáng suốt nhất.


Thực tế cũng có một số phương pháp có thể áp dụng để kiếm lời khi thị trường xuất hiện dạng khung giao dịch, chẳng hạn như sử dụng các chỉ số dao động thị trường (Oscillators) mà ta sẽ nghiên cứu ở phần sau. Nhìn chung rất khó có thể dự đoán sự xuất hiện trong tương lai của mô hình khung giao dịch. Mô hình này cũng có thể kéo dài trong nhiều tháng, một năm hay nhiều năm. Cũng giống như kênh giá, khung giao dịch cũng có các đường biên bên trên và bên dưới, đây chính là các đường kháng cự và hỗ trợ của khung. Những “điểm phá vỡ” (breakout) ra ngoài khung có thể là các dấu hiệu quan trọng để tiến hành các giao dịch. Tuy nhiên cũng cần lưu ý bởi giá cũng thường dao động vượt ra ngoài khung nhưng chỉ với một lượng nhỏ, sau đó quay trở lại bên trong khung. Đôi khi nguyên nhân của hiện tượng này là do những lệnh dừng mà nhà đầu tư đã đặt và những lệnh này tác động đến những vùng giá nằm ngoài khung. Khi những lệnh này kết thúc thì giá sẽ trở lại dao động bên trong khung giao dịch nếu không có những lý do liên quan đến những yếu tố tài chính cơ bản hay có sự xuất hiện khối lượng giao dịch lớn duy trì sự vượt ra ấy. Nhìn chung nhà đầu tư không nên đi theo ngay những “breakout” mới xuất hiện mà nên chờ thêm một dao động tiếp theo xác nhận “breakout” này cho dù điều này có thể làm chậm lại một chút nhưng sẽ tránh được rất nhiều dấu hiệu sai và tránh được những khoản lỗ.

III. Hỗ trợ và kháng cự:


Việc nghiên cứu về mức hỗ trợ và kháng cự là một trong những vấn đề khá quan trọng đối với Phân tích kỹ thuật. Nó cho phép người nghiên cứu có thêm những cơ sở mới trong dự đoán các biến động tiềm năng, trong việc chỉ ra những thời điểm mà thị trường có thể gây ra rắc rối cho nhà đầu tư. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm đã xây dựng cho họ một “hệ thống đầu tư” riêng dựa hầu hết vào những nguyên lý về mức kháng cự và hỗ trợ. 

Mức kháng cự và hỗ trợ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu phân tích các hình mẫu kỹ thuật. Những kiến thức cơ bản về mức kháng cự và hỗ trợ sẽ giúp người nghiên cứu dễ dàng hiểu bản chất và các ứng dụng của các hình mẫu đó.

Mức hỗ trợ là việc mua thực tế hay khả năng mua với khối lượng đủ để làm ngưng lại xu hướng giảm của giá trong một thời kỳ đáng kể (tương đối dài). Mức kháng cự thì ngược lại với mức hỗ trợ: đó là việc bán, trong thực tế hay tiềm năng, một khối lượng đủ để thoả mãn tất cả các mức chào mua, do đó, làm giá ngừng không tăng thêm trong một khoảng thời gian nhất định. Như thế mức kháng cự và hỗ trợ lần lượt gần giống với khối lượng cầu và khối lượng cung. Mức hỗ trợ là mức giá ở đó mức cầu cho một công cụ tài chính đủ để, ít nhất là, làm dừng xu hướng giảm giá của thị trường và cũng có thể đổi chiều xu hướng đó, tức là làm xu hướng giá đi xuống quay ngược đi lên. Từ đó ta có định nghĩa về mức kháng cự, đó là mức giá mà ở đó lượng cung đủ để giá sẽ ngừng không tăng thêm và có thể chuyển động ngược lại đi xuống. 


Theo lý thuyết thì mỗi mức giá có một lượng cung và cầu nhất định. Nhưng khoản hỗ trợ thể hiện sự tập trung của cầu còn khoảng kháng cự thể hiện sự tập trung của cung. 

Một nguyên tắc cần chú ý là mức hỗ trợ có thể chuyển thành mức kháng cự và ngược lại. Một khi giá phá vỡ xuống dưới mức hỗ trợ thì mức hỗ trợ bị phá vỡ có thể trở thành mức kháng cự mới. Sự phá vỡ hỗ trợ báo hiệu rằng lượng cung đã vượt qua lượng cầu. Do đó nếu giá trở lại mức này thì có thể có sự gia tăng về cung và do đó mà trở thành mức kháng cự. Ngược lại khi giá tăng trên mức kháng cự thì nó báo hiệu sự thay đổi về cung và cầu. Sự phá vỡ trên mức kháng cự chứng tỏ rằng lượng cầu đã vượt qua lượng cung. Nếu giá trở lại mức này thì có thể có sự gia tăng về cung và do đó mà trở thành mức hỗ trợ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Blogger Templates