PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
1. Mô hình Bullish Piercing Line
Mô hình Bullish Piercing Line bao gồm 2 dạng nến báo hiệu sự đảo chiều tại đáy thị trường sau một xu hướng giảm giá. Nó bao gồm một dạng nến giảm giá mạnh có thân nến dài (màu đen hoặc đỏ) vào ngày thứ nhất. Ngày thứ 2 giá mở cửa nằm thấp dưới mức giá thấp nhất của ngày thứ nhất (dưới điểm đáy bóng nến dưới của dạng nến 1). Tuy nhiên sau đó thị trường đóng cửa cao hơn điểm giữa của thân nến ngày thứ nhất hình thành dạng nến tăng giá mạnh.
Thị trường đặc trưng theo xu hướng giảm giá, xuất hiện một dạng nến giảm giá dài vào ngày thứ nhất, ngày thứ 2 xuất hiện một dạng nến tăng giá có giá mở cửa nằm dưới mức giá thấp nhất của ngày trước đó. Dạng nến thứ 2 này có mức giá đóng cửa nằm trong thân nến ngày thứ nhất và nằm trên điểm giữa thân nến của ngày thứ nhất đó.
Thị trường đi theo xu hướng giảm giá thì xuất hiện dạng nến giảm giá mạnh củng cố xu hướng giảm giá này. Ngày kế tiếp mở cửa thấp tạo khoảng trống cho thấy người đầu cơ giá xuống vẫn còn kiểm soát. Sau đó thị trường bất ngờ đi lên khiến giá đóng cửa tăng và nằm cao hơn so với mức giá đóng cửa ngày trước đó. Người bán đang mất niềm tin và định giá lại trạng thái bán của mình. Người mua tiềm năng bắt đầu nghĩ rằng các mức giá thấp có thể không duy trì được nữa và đã đến lúc vào trạng thái mua.
Với mô hình Bullish Piercing Line thì nếu mức giá đóng cửa của dạng nến tăng giá nhô cao vào thân nến giảm giá trước đó thì cơ hội tạo đáy thị trường tăng lên. Nếu dạng nến tăng giá không đóng cửa trên điểm giữa của dạng nến giảm giá thì tốt nhất nên đợi sự xác nhận dưới hình thức một dạng nến tăng giá với mức đóng cửa cao hơn hoặc một khoảng trống lớn đi lên (gap up) vào ngày giao dịch kế tiếp.
Chú ý: Mô hình Bullish Piercing Line là phiên bản trái ngược với mô hình Bearish Dark Cloud Cover.
2. Mô hình Bearish Dark Cloud Cover
Mô hình Bearish Dark Cloud Cover (mô hình đám mây đen bao phủ giảm giá) bao gồm 2 dạng nến báo hiệu sự đảo chiều tại đỉnh thị trường sau một xu hướng tăng giá. Nó bao gồm một dạng nến tăng giá mạnh có thân nến dài (màu trắng hoặc xanh) vào ngày thứ nhất. Ngày thứ 2 giá mở cửa nằm cao trên mức giá cao nhất của ngày thứ nhất (trên đỉnh bóng nến trên của dạng nến 1). Tuy nhiên sau đó thị trường đóng cửa gần mức giá thấp nhất trong ngày và nằm trong thân nến của ngày trước đó.
Thị trường đặc trưng theo xu hướng tăng giá, xuất hiện một dạng nến tăng giá dài vào ngày thứ nhất, ngày thứ 2 xuất hiện một dạng nến giảm giá có giá mở cửa nằm trên mức giá cao nhất của ngày trước đó. Dạng nến thứ 2 này có mức giá đóng cửa nằm dưới điểm giữa thân nến của ngày thứ nhất.
Thị trường đi theo xu hướng tăng giá thì xuất hiện dạng nến tăng giá mạnh theo sau bởi một khoảng trống cho thấy người đầu cơ giá lên vẫn còn kiểm soát. Tuy nhiên đợt tăng giá không thể tiếp tục và thị trường bất ngờ đóng cửa tại hoặc gần mức giá thấp nhất trong ngày vì thế thân nến ngày thứ 2 đi vào thân nến của ngày trước đó. Người mua phần nào bị dao động và người bán có cơ sở để dừng lỗ tại mức giá cao mới trong ngày.
Nếu mức giá đóng cửa của dạng nến giảm giá nhô sâu vào thân nến tăng giá trước đó thì cơ hội tạo đỉnh thị trường tăng lên. Nếu dạng nến giảm giá không đóng cửa dưới điểm giữa của dạng nến tăng giá thì tốt nhất nên đợi sự xác nhận dưới hình thức một dạng nến giảm giá với mức đóng cửa thấp hơn hoặc một khoảng trống lớn đi xuống (gap down) vào ngày giao dịch kế tiếp.
(Bài viết chỉ mang tính tham khảo)
Nguồn: http://vnexim.com.vn/forum/bai-viet/16460-PTKT-Bai-12-Cap-mo-hinh-nen-Piercing-Line-va-Dark-Cloud-Cover#ixzz3YlNqGfUG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét