Social Icons

Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Giới thiệu khái quát phân tích kỹ thuật và các trường phái phân tích kỹ thuật

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

Bài 1: GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT PHÂN TÍCH KỸ THUẬT VÀ CÁC TRƯỜNG PHÁI VÀ PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

Chúng tôi xin trình bày với bạn những khái niệm, những kiến thức và những cảm nhận cơ bản nhất về phân tích kỹ thuật. Có thể xem đây là những kiến thức sơ đẳng nhất cho trình độ vỡ lòng đối với những người lần đầu tiên bắt đầu tìm hiểu về phân tích kỹ thuật. 

Có nhiều cách tiếp cận vấn đề khác nhau, ở đây, chúng tôi xin tiếp cận ở góc độ đơn giản nhất. Những vấn đề phức tạp hơn sẽ được thảo luận sâu hơn trong các chuyên đề sau này.




I. Khái niệm Phân tích kỹ thuật :

Phân tích kỹ thuật (PTKT) là các phương pháp nghiên cứu, phân tích sự biến động của giá trong quá khứ và hiện tại dựa vào các đồ thị nhằm mục đích dự báo các xu hướng giá trong tương lai (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn).
PTKT có thể áp dụng trong nghiên cứu, phân tích giá các loại hàng hóa (vàng, dầu, cà phê, gạo,...), giá các loại cổ phiếu, tỷ giá các loại tiền tệ và các công cụ tài chính khác.

PTKT bao gồm các phương pháp phân tích riêng rẽ (mô hình Nến Nhật, phương pháp Fibonacci, sóng Elliott,...) hoặc tổng hợp các phương pháp lại với nhau.

PTKT có thể sử dụng các dạng đồ thị khác nhau với các khoảng thời gian khác nhau..

PTKT có thể được tiếp cận dựa trên cơ sở 3 giả định:
- Biến động thị trường phản ánh tất cả (biến động thị trường bao gồm giá, khối lượng giao dịch và số lượng hợp đồng chưa tất toán).
- Giá dịch chuyển theo xu thế chung.
- Lịch sử sẽ tự lặp lại.

PTKT áp dụng đúng cho các mô hình vi mô thì sẽ áp dụng đúng trong các mô hình vĩ mô.

II. Lịch sử hình thành Phân tích kỹ thuật:

Lịch sử Phân tích kỹ thuật bắt nguồn từ cách đây hơn 100 năm, từ một người tên là Charles H. Dow, người đã sáng lập tạp chí phố Wall (The Wall Street Journal). Sau nhiều năm nghiên cứu, vào năm 1884 ông đưa ra chỉ số bình quân giá đóng cửa của 11 cổ phiếu quan trọng nhất thị trường Mỹ thời bấy giờ. Về sau, William Peter Hamilton là người thực sự mang lại sức sống cho những nghiên cứu của Dow bằng việc tiếp tục nghiên cứu và xuất bản cuốn sách “Phong vũ biểu thị trường chứng khoán” (The Stock Market Barometer) vào năm 1922. Suốt những năm 1920 và 1930, Richard W. Schabacker là người đã đi sâu vào những nghiên cứu của Dow và Hamilton, sau đó đã đưa ra khái niệm đầu tiên về Phân tích kỹ thuật. Ông chỉ ra rằng những dấu hiệu mà lý thuyết Dow đưa ra được với chỉ số bình quân thị trường vẫn giữ nguyên giá trị và tầm quan trọng khi áp dụng vào đồ thị của từng cổ phiếu riêng lẻ. Điều này đã được ông thể hiện và chứng minh trong cuốn sách của ông có tên “Lý thuyết và Thực hành Thị trường chứng khoán, Phân tích kỹ thuật và lợi nhuận trong thị trường chứng khoán” (Stock Market Theory and Practice, Technical Market Analysis and Stock Market Profit”. 

Như vậy những cơ sở đầu tiên của Phân tích kỹ thuật đã xuất hiện từ trong lý thuyết Dow, nhưng phải đến Schabacker – người cha của Phân tích kỹ thuật hiện đại, tiếp đó là Edward và Magee với “Phân tích kỹ thuật xu hướng chứng khoán” (Technical Analysis of Stock Trend, cuốn sách đã được tái bản 8 lần) và ngày nay là John Murphy, Jack Schwager, Martin Pring, … thì mới thực sự ra đời cái tên “Phân tích kỹ thuật” và được nâng cao, tổng kết thành một hệ thống lý luận quan trọng trong phân tích đầu tư trên thị trường chứng khoán nói riêng và các thị trường tài chính nói chung.

III. Các trường phái và phương pháp Phân tích kỹ thuật:

Có rất nhiều trường phái và phương pháp PTKT khác nhau, nhưng sau đây là những trường phái, phương pháp thông dụng nhất :

1. Trường phái, phương pháp Phân tích đồ thị nến Nhật(Candlestick Charting).
2. Trường phái, phương pháp Nguyên lý sóng Elliott (Elliott Wave Theory).
3. Trường phái, phương pháp ứng dụng mẫu mô hình đồ thị (đảo chiều và tiếp tục xu hướng) (Chart Patterns).
4. Trường phái, phương pháp Lý thuyết chu kỳ (Cycle Theory).
5. Trường phái, phương pháp Lý thuyết Dow (Dow Theory).
6. Trường phái, phương pháp Lý thuyết Hiện tượng Delta (Delta Phenomenon).
7. Phương pháp ứng dụng các đường xu hướng (Trendline Charting)
8. Phương pháp ứng dụng Dãy số Fibonacci (Fibonacci Series).
9. Phương pháp ứng dụng các hệ thống chỉ báo kỹ thuật (Technical Indicators)
10. Phương pháp ứng dụng điểm Pivot(Pivot Point).

IV. Vai trò của Phân tích kỹ thuật:

1. So với phân tích cơ bản, PTKT dễ tiếp cận hơn, dễ hiểu hơn và khi áp dụng cho thấy kết quả tức thời và hiệu quả hơn.

2. Khi sử dụng phân tích cơ bản để đánh giá xu hướng giá, rất khó để dự báo giá sẽ tăng hoặc giảm bao nhiêu. Ngược lại khi sử dụng PTKT, chúng ta dễ dàng xác định được các mức cản trên hoặc cản dưới và dễ dàng xác định mục tiêu dừng lỗ hoặc chốt lời khi giao dịch. 

3. Để ứng dụng phân tích cơ bản trong xác định xu hướng giá, chúng ta phải có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, chúng ta phải có nguồn tin nhanh và chính xác, chúng ta phải phân tích và tổng hợp rất nhiều nguồn tư liệu…Trong khi đó, chúng ta chỉ cần một máy tính nối mạng Internet và một phần mềm có các ứng dụng PTKT là có thể giao dịch hiệu quả. 

4. Khi càng am hiểu về PTKT thì mức độ chính xác trong phân tích sẽ càng cao. Nhưng, chúng ta cần phải kết hợp thêm các nguồn thông tin kinh tế tài chính liên quan (Phân tích cơ bản) để đưa ra quyết định cuối cùng trong giao dịch.

5. Khi phải chọn một trong hai phương pháp PTKT và PTCB thì một sự lựa chọn hợp lý là PTKT. Bởi lẽ, PTKT bao hàm cả PTCB, PTKT là công cụ vận dụng trực giác để đưa ra những chiến lược đầu tư dựa trên những mô hình kỹ thuật đã được kiểm nghiệm.

Lưu ý: Khi ứng dụng PTKT, chúng ta nên phân tích trên nhiều đồ thị với nhiều khoảng thời gian khác nhau. Quan trọng là các khung thời gian: 15 phút (M15), 30 phút (M30), 1 giờ (H1), 4 giờ (H4), 8 giờ (H8), ngày (Daily), tuần (Weekly) và tháng (Monthly). Phân tích xu hướng trong ngày thì sử dụng các đồ thị từ 15 phút đến 4 giờ. Phân tích xu hướng ngắn hạn thì sử dụng các đồ thị từ 4 giờ đến đồ thị ngày. Phân tích xu hướng trung hạn thì sử dụng đồ thị ngày và đồ thị tuần. Phân tích xu hướng dài hạn thì sử dụng đồ thị tháng đến đồ thị năm.

Nguồn: http://vnexim.com.vn/forum/bai-viet/16449-PTKT-Bai-1-Gioi-thieu-khai-quat-Phan-tich-ky-thuat-va-cac-truong-phai-PTKT#ixzz3YPzzCM16

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Blogger Templates