Social Icons

Pages

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Chỉ báo Xung lượng (Momentum)

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Bài 19: Chỉ báo Xung lượng (Momentum)

1. Khái niệm chỉ báo Momentum

Chỉ báo Momentum (xung lượng) đo lường tỷ lệ thay đổi về giá đóng cửa và được sử dụng để nhận biết sự suy yếu xu hướng và những điểm đảo chiều có thể xảy ra. Chỉ báo này thường được đánh giá thấp vì sự đơn giản của nó.

Giá trị Momentum cao xuất hiện khi một xu hướng đang ở vị thế mạnh nhất. Giá trị Momentum thấp hơn thường thấy tại đầu hoặc cuối một xu hướng.

Các mức siêu mua (Overbought) và siêu bán (Oversold) được thiết lập khác nhau cho mỗi công cụ đầu tư khác nhau.

2. Công thức tính Momentum:

Momentum được tính như sau:

Momentum = giá đóng cửa hôm nay – giá đóng cửa cách đây n ngày

Ví dụ:
3. Tín hiệu giao dịch:

a. Thị trường không rõ xu hướng:

Cần phải thiết lập các mức siêu mua và siêu bán cho chỉ báo và các mức này cần phải cắt ít nhất 2/3 phần các điểm đỉnh và điểm đáy của chỉ báo.

- Mua khi Momentum cắt xuống dưới mức siêu bán rồi tăng trở lại trên mức đó hoặc dựa vào sự phân kỳ tăng giá nơi mà phần đáy đầu tiên của chỉ báo nằm dưới vùng siêu bán.

- Bán khi Momentum cắt lên trên mức siêu mua rồi giảm trở lại dưới mức đó hoặc dựa trên sự phân kỳ giảm giá nơi mà phần đỉnh đầu tiên của chỉ báo nằm trên mức siêu mua.

b. Thị trường có xu hướng:

Momentum có xu thế nằm trên mức zero (có phần mềm sử dụng 100 là mức chuẩn) trong một xu hướng tăng giá và nằm dưới mức zero trong một xu hướng giảm giá.

- Trong một xu hướng tăng giá, mua nếu Momentum nằm dưới mức zero rồi chạy lên.

- Trong một xu hướng giảm giá, bán khi Momentum nằm trên mức zero rồi chạy xuống.

Các đường xu hướng cũng được vẽ lên chỉ báo Momentum. Một sự phá vỡ đường xu hướng thường xảy ra trước một sự phá vỡ tương tự trên đồ thị giá.

Chốt lời dựa trên sự phân kỳ và sự phá vỡ đường xu hướng.

Nhìn chung chỉ báo này chỉ nên tham khảo, không nên áp dụng vào thực tế vì tính hiệu quả kém rất nhiều so với các chỉ báo khác.

Nguồn: http://vnexim.com.vn/forum/bai-viet/16467-PTKT-Bai-19-Chi-bao-Xung-luong-Momentum-#ixzz3YrdkiXUk

Chỉ báo Cường độ tương đối (Relative Strength Index – RSI)

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

Bài 18: Chỉ báo Cường độ tương đối (Relative Strength Index – RSI)

1. Khái niệm chỉ báo RSI:

Chỉ số cường độ tương đối (RSI) là một chỉ báo xung lượng phổ biến được phát triển bởi J. Welles Wilder và được giới thiệu chi tiết trong cuốn sách của ông có tên New Concepts in Technical Trading Systems.

Chỉ báo RSI (viết tắt cụm từ Relative Strength Index) so sánh những dao động đi lên theo giá đóng cửa so với những dao động đi xuống qua một thời gian xác định. Khi phát triển chỉ báo này, Wilder sử dụng thời gian (kỳ) 14 ngày, nhưng các kỳ 7 và 9 ngày thường được sử dụng để giao dịch ngắn hạn và 21 hoặc 25 ngày để giao dịch trung hạn.

2. Công thức:

Các bước để tính RSI bao gồm:

1. Xác định kỳ RSI, dựa trên khung thời gian muốn phân tích.

2. So sánh giá đóng cửa hôm nay với giá đóng cửa hôm qua.

3. Đối với kỳ RSI, thêm các dao động đi lên theo giá đóng cửa.

4. Đối với kỳ RSI, thêm các dao động đi xuống theo giá đóng cửa.

5. Tính trung bình động hàm mũ (EMA) của các dao động giá:

Trung bình dao động giá đi lên = Trung bình động hàm mũ của các dao động giá đi lên.
Trung bình dao động giá đi xuống = Trung bình động hàm mũ của các dao động giá đi xuống.

6. Tính cường độ tương đối (RS):

RS = Trung bình dao động giá đi lên / Trung bình dao động giá đi xuống

7. Tính Chỉ số cường độ tương đối (RSI):

RSI = 100 - 100 / ( 1 + RS )

3. Tín hiệu giao dịch:

a. Đối với thị trường không rõ xu hướng (ranging market):

Lập mức siêu mua (Overbought) tại 70 và mức siêu bán (Oversold) tại 30.

- Mua khi RSI giảm xuống dưới mức 30 rồi tăng trở lại lên trên 30 hoặc khi có sự phân kỳ tăng giá mà ở đó phần đáy đầu tiên của RSI dưới mức 30.

 
- Bán khi RSI tăng trên mức 70 rồi giảm trở lại dưới 70 hoặc khi có sự phân kỳ giảm giá mà ở đó phần đỉnh đầu tiên của RSI nằm trên 70.

b. Đối với thị trường có xu hướng (trending market):

Chỉ giao dịch các tín hiệu theo hướng thị trường.

- Trong một xu hướng tăng giá, mua khi RSI giảm xuống dưới mức 30 rồi tăng trở lại trên mức đó.

- Trong một xu hướng giảm giá, bán khi RSI tăng trên mức 70 rồi giảm trở lại dưới mức đó.

Chốt lời dựa trên dấu hiệu phân kỳ.

* Sự phân kỳ xảy ra khi chỉ báo không thể đi theo mô hình giá trên đồ thị, một dấu hiệu suy yếu xu hướng và sự đảo chiều có thể xảy ra.

- Trong một xu hướng tăng giá, nếu giá tạo mức đỉnh (High) mới nhưng chỉ báo không thể đi theo như vậy, đó là dấu hiệu phân kỳ giảm giá.

 
- Trong một xu hướng giảm giá, nếu giá tạo một mức đáy (Low) mới nhưng chỉ báo không thể đi theo như vậy, đó là dấu hiệu phân kỳ tăng giá.

Chỉ báo Dừng và đảo chiều (Parabolic SAR)

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
BÀI 17: CHỈ BÁO PARABOLIC SAR
1. Định nghĩa:

Chỉ báo dừng và đảo chiều (Parabolic Sar) được được phát triển bởi Welles Wilder, được sử dụng để xác định các điểm dừng của giá và thường được gọi là “SAR” (dừng và đảo chiều). Chỉ báo này được giải thích cụ thể trong cuốn sách của Wilder: New Concepts in Technical Trading Systems (Những khái niệm mới về hệ thống giao dịch theo Phân tích kỹ thuật).
Parabolic SAR cho biết các điểm thoát khỏi thị trường hoàn hảo cho nhà đầu tư. Nên dừng việc mua vào khi giá giảm xuống dưới SAR và dừng việc bán ra khi giá tăng lên trên SAR. 


Parabolic SAR được vẽ trong cuốn sách của Wilder. Mỗi điểm dừng SAR chỉ hiệu quả trong ngày mà nó được vẽ ra. Cần chú ý rằng giá trị của SAR ngày hôm nay không phải là giá trị điểm dừng của ngày hôm sau.

Parabolic SAR cũng là công cụ hiệu quả để xác định vùng đặt điểm “dừng lỗ” (stop loss).


Đây là chỉ báo rất tốt về xu hướng tiếp theo của thị trường. Welles Wilder cho đây là chỉ báo đảo chiều (reversal) đáng tin cậy về mặt thời gian/giá. Nó bao gồm một lọat các điểm gọi là các điểm dừng và đảo chiều (Stop And Reverse/SAR). Nếu phá vỡ những mức bảo vệ này thì thị trường sẽ được coi là đảo chiều.


Giống như giá bắt đầu 1 xu hướng thì những điểm SAR cũng bắt đầu chuyển động chậm vượt ra ngòai và hình thành 1 xu hướng đi lên.

2. Cách tính:

Parabolic SAR được tính toán hầu như độc lập theo mỗi xu hướng trong giá. Khi giá công cụ tài chính theo xu hướng tăng giá thì SAR xuất hiện dưới giá vàng hội tụ đi lên theo chiều giá. Tương tự, trong một xu hướng giảm giá thì SAR xuất hiện trên giá vàng hội tụ đi xuống theo chiều giá.

Ở mỗi bước trong một xu hướng, SAR được tính trước thời gian. Tức là giá trị SAR của ngày mai được xây dựng sử dụng dữ liệu giá có sẵn của ngày hôm nay. Công thức chung là:
SARn + 1 = SARn + α(EP – SARn)

Trong đó SARn và SARn+1 lần lượt thể hiện giá trị SAR của hôm nay và của ngày mai.

EP (Extreme Point) là điểm cực trị thể hiện giá trị cao nhất đạt được bởi giá trong suốt xu hướng tăng giá hiện tại hoặc giá trị thấp nhất trong suốt xu hướng giảm giá hiện tại. Trong mỗi kỳ quan sát, nếu một giá trị cực đại hoặc giá trị cực tiểu được theo dõi thì EP được cập nhật theo giá trị đó.

Giá trị α thể hiện yếu tố gia tốc. Thường thì nó được cài đặt giá trị trị ban đầu là 0.02. Giá trị này được tăng lên 0.02 mỗi khi một giá trị EP được ghi nhận. Nói cách khác mỗi khi một EP mới được theo dõi thì nó sẽ tăng yếu tố gia tốc. Khi đó nó sẽ làm gia tăng tỷ lệ theo đó SAR hội tụ về giá. Để tránh giá trị này quá lớn thì một giá trị cực đại cho gia tốc thường được xác định là 0.20. Đối với thị trường chứng khoán thì ưu tiên gia tốc có giá trị 0.01. Đối với trường hàng hóa và ngoại hối thì ưu tiên sử dụng giá trị 0.02.

3. Các tín hiệu mua bán:

Parabolic SAR là chỉ báo giúp cho nhà đầu tư hiểu rõ 1 xu hướng. Nó là 1 chỉ báo dễ sử dụng. Một điều hiển nhiên là đường giá luôn đi xuyên qua SAR trong mọi hướng. Nhà đầu tư nên dừng lại và suy ngẫm khi SAR bị xuyên qua.


Tín hiệu mua: Mua khi giá đóng cửa nằm trên đường Parabolic SAR và đồng thời đường Parabolic SAR phải cao hơn đường giá. Có nghĩa là khi đường Parabolic SAR thay đổi từ giá trị cao chuyển sang giá trị thấp thì nhà đầu tư nên “dừng lại”; thực hiện mua rải hay bán khống để chờ tín hiệu đảo chiều xu hướng mạnh xảy ra hoặc có thể mua để đầu tư dài hạn.

Tín hiệu bán: Tín hiệu bán xuất hiện khi giá đóng cửa nằm dưới Parabolic SAR và đồng thời đường Parabolic SAR thấp hơn đường giá. Ngay tại thời điểm này đường Parabolic SAR thay đổi từ mức thấp hơn đường giá lên mức cao hơn đường giá. Các nhà đầu tư nên “dừng lại”, cũng có thể bán để thoát khỏi xu hướng dài hạn hiện hành và chờ sự đảo chiều trong ngắn hạn.

Đặt điểm “dừng lỗ


Hiệu quả lớn nhất khi dùng Parabolic SAR để xác định vùng đặt điểm dừng lỗ là nhằm bảo vệ lợi nhuận hoặc giảm thiểu thua lỗ trong việc kinh doanh.

Parabolic SAR là công cụ xác định vùng đặt điểm dừng lỗ hiệu quả, được diễn tả theo 2 lập luận sau:


- Đặt điểm dừng lỗ thấp hơn giá của nhà đầu tư dài hạn mua vào hoặc trên mức giá của nhà đầu tư ngắn hạn chấp nhận mua. Sử dụng Parabolic SAR như là một công cụ điều chỉnh điểm dừng lỗ, điểm dừng lỗ sẽ từ từ tiến lên theo xu hướng dài hạn và thấp hơn xu hướng ngắn hạn. Nhưng hiệu quả nhất thì nhà đầu tư nên chốt lại mức lợi nhuận kỳ vọng của mình. 

- Parabolic SAR có vai trò như là khoảng dừng về mặt thời gian (thời điểm dừng). Thời điểm dừng được sử dụng tùy vào từng nhà đầu tư. Nếu sự mong đợi của nhà đầu tư đó không xảy ra thì lý trí của nhà đầu tư đó bắt đầu bị buông lỏng một cách tư nhiên, tức là kỷ luật kinh doanh, mua-bán bị vi phạm. Khi đó, nhà đầu tư nên thoát khỏi thị trường. Tương tự như vậy, Parabolic SAR đã kết hợp với thời gian để làm cho đường giá hoạt động theo sự tính toán của nhà đầu tư. Nếu đường giá không di chuyển theo hướng đã tính toán trước thì Parabolic SAR sẽ là tín hiệu để xác định thời điểm thoát khỏi thị trường.

Nguồn: http://vnexim.com.vn/forum/bai-viet/16465-PTKT-Bai-17-Chi-bao-Dung-va-dao-chieu-Parabolic-SAR-#ixzz3YraHVgP6

Chỉ báo Trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD)

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Bài 16: Chỉ báo Trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD)

1. Khái niệm MACD:

Chỉ báo MACD (Moving Average Convergence Divergence – trung bình động hội tụ phân kỳ) là sự chênh lệch giữa 2 đường trung bình động hàm mũ (EMA) 12 và 26, được phát triển bởi Gerald Appel và được thảo luận trong cuốn sách của ông có tên là Phương pháp giao dịch trung bình động hội tụ phân kỳ.

2. Công thức tính MACD:

Chỉ báo MACD được tính bằng sự chênh kệnh giữa đường EMA nhanh và đường EMA chậm. Chỉ báo MACD gồm 3 thành phần chính:

(1) MACD = EMA 12 – EMA 26

(2) MACD Signal Line: Đường tín hiệu được tính là đường EMA 9 của MACD.

(3) MACD Histogram = MACD – MACD Signal Line (là sự chênh lệch giữa MACD và đường tín hiệu).

3. Tín hiệu giao dịch theo MACD:

Chỉ báo MACD chủ yếu được sử dụng để giao dịch trong thị trường có xu hướng rõ ràng và không sử dụng trong thị trường dao động trong khung giao dịch (Ranging market). Các tín hiệu được nhận diện khi MACD cắt đường tín hiệu của nó. Trước hết phải kiểm tra thị trường đi theo xu hướng rõ ràng. Nếu chỉ báo MACD dạt ngang hoặc nằm gần đường zero thì thị trường không rõ xu hướng và các tín hiệu không đáng tin cậy.

- Vào trạng thái mua khi MACD cắt đường tín hiệu từ dưới lên.

- Vào trạng thái bán khi MACD cắt đường tín hiệu từ trên xuống.

Các tín hiệu giao dịch mạnh hơn nhiều nếu có xảy ra một trong những trường hợp sau: có sự phân kỳ (tức là đường MACD và đường tín hiệu cách xa nhau dần), có sự bức phá lớn trên hoặc dưới đường zero.

Nếu không có sự phân kỳ thì không nên vào trạng thái mua nếu tín hiệu nằm trên đường zero, hoặc ngược lại không vào trạng thái bán nếu tín hiệu nằm dưới đường zero. Đặt lệnh dừng lỗ dưới mức đáy gần nhất khi mua hoặc dưới mức đỉnh gần nhất khi bán.

Có thể sử dụng yếu tố hội tụ phân kỳ MACD Histogram để xác định tín hiệu giao dịch:

- Sự hội tụ: xuất hiện khi MACD Histogram giảm dần về độ cao khi có sự thay đổi về xu hướng giá. Trong trường hợp này đường MACD chạy gần hơn về đường tín hiệu.

- Sự phân kỳ: xuất hiện khi MACD Histogram tăng dần về độ cao khi mà đường MACD chạy hơn hơn theo hướng của thị trường.

Chữ T (Top) thường được sử dụng để thể hiện phần đỉnh của MACD Histogram và chữ B (Bottom) thể hiện phần đáy của MACD Histogram. Khi MACD Histogram nằm dưới đường zero và bắt đầu hội tụ về đường zero thì xuất hiện tín hiệu mua và ngược lại khi MACD Histogram nằm trên đường zero và bắt đầu hội tụ về đường zero thì xuất hiện tín hiệu bán.

Nguồn: http://vnexim.com.vn/forum/bai-viet/16464-PTKT-Bai-16-Chi-bao-Trung-binh-dong-hoi-tu-phan-ky-MACD-#ixzz3YrZUSQyf

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Chỉ báo Đường trung bình động (Moving Average - MA)

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Bài 15: Chỉ báo Đường trung bình động (Moving Average - MA)

1. Khái niệm: 

Đường trung bình động (MA) là thước đo khách quan về xu hướng thị trường qua dữ liệu giá và thời gian, thông thường được tính theo giá đóng cửa và có thể được điều chỉnh sử dụng theo giá cao nhất hoặc giá thấp nhất, hoặc giá trung bình hoặc giá đóng cửa gia quyền.

2. Khung thời gian sử dụng: 

Các đường MA ngắn hạn thường nhạy cảm, đôi khi giúp người phân tích nhận diện xu hướng sớm song cũng có lúc cho những cảnh báo giả. Các đường MA dài hạn hơn thì đáng tin cậy hơn song chỉ áp dụng cho xu hướng lớn.

Sử dụng đường trung bình động là một nửa chiều dài chu kỳ quan sát. Nếu chiều dài chu kỳ tình đỉnh đến đỉnh là 30 ngày thì sử dụng đường MA 15 ngày là hợp lý. Nếu khung thời gian 20 ngày thì nên sử dụng MA 10 ngày. Tuy nhiên đối với một số nhà giao dịch thì việc sử dụng MA 14 và MA 9 thường giúp tạo ra một số tín hiệu giao dịch tốt. Một số khác ưa thích sử dụng các MA theo dãy số Fibonacci như 5, 8, 13 và 21.

- Khung thời gian từ 20 đến 40 tuần: sử dụng MA 100 đến 200 ngày cho chu kỳ dài hạn.

- Khung thời gian từ 4 đến 13 tuần: sử dụng MA 20 đến 65 tuần cho chu kỳ trung hạn.

- Sử dụng MA 5 đến 20 cho chu kỳ ngắn hạn.
3. Phân loại và công thức tính:

Đường trung bình động có nhiều loại song có 3 loại thông dụng nhất là Đường trung bình động giản đơn (Simple Moving Average) và Đường trung bình động hàm mũ (Exponential Moving Average) và Đường trung bình động gia quyền (Weighted Moving Average).
a. Đường trung bình động giản đơn (SMA):

Đường trung bình động giản đơn (SMA) là loại trung bình động cơ bản nhất. Đường SMA 5 ngày được tính bằng cách lấy tổng giá trong 5 ngày đã qua rồi chia cho 5.
Ví dụ:
 
b. Đường trung bình động hàm mũ (EMA):

Công thức tính EMA: (giá hôm nay X EMA%) + [giá trị EMA hôm qua X (1-EMA%)] 

Trong đó EMA% = 2/(n + 1) với n là số ngày quan sát.

Ví dụ EMA% cho 5 ngày sẽ là 2/(5 +1) = 33.3%

Nếu tính lại bảng ở phía trên sẽ thấy rằng đường EMA thể hiện xu hướng mượt hơn.
 
50% thường được sử dụng cho EMA 3 ngày.

10% thường được sử dụng cho EMA 19 ngày.

1% thường được sử dụng cho EMA 199 ngày.

c. Đường trung bình động gia quyền (WMA):

Đường trung bình động gia quyền (WMA) kèm thêm độ nặng cho dữ liệu giá gần nhất. Độ nặng được tính bằng cách lấy số ngày đang quan sát chia cho tổng số ngày quan sát. Giá trị gia quyền được tính bằng cách nhân giá hôm nay cho độ nặng hôm nay. Trung bình động gia quyền được tính bằng cách cộng tất cả các giá trị gia quyền trong số ngày quan sát.
 
4. Tín hiệu giao dịch:

Khi sử dụng một đường trung bình động thì các tín hiệu giao dịch xuất hiện khi giá giao cắt với đường trung bình động đó.

- Vào trạng thái mua khi giá cắt lên trên đường MA từ phía dưới.
- Vào trạng thái bán khi giá cắt xuống dưới đường MA từ phía trên.

Khi sử dụng 2 đường trung bình động thì các tín hiệu giao dịch xuất hiện khi 2 đường trung bình động giao cắt nhau.

- Vào trạng thái mua khi đường MA nhanh (ngắn hạn hơn) cắt MA chậm (dài hạn hơn) từ phía dưới lên.
- Vào trạng thái bán (đảo ngược trạng thái) khi đường MA nhanh cắt MA chậm từ trên xuống.

Khi sử dụng 3 đường trung bình động: đường nhanh (ngắn hạn hơn), đường giữa và đường chậm (dài hạn hơn) thì các điểm vào trạng thái giao dịch được quyết định bởi đường trung bình động nằm giữa giao cắt đường trung bình động dài hạn hơn, trong khi đó các điểm thoát trạng thái được quyết định bởi đường trung bình động ngắn hạn hơn giao cắt với đường trung bình động nằm giữa.

- Vào trạng thái mua khi đường MA giữa cắt lên trên đường MA chậm từ phía dưới và MA nhanh nằm trên đường MA giữa. Đóng trạng thái mua khi MA nhanh cắt xuống dưới đường MA giữa từ phía trên.
 - Vào trạng thái bán khi MA giữa cắt xuống dưới MA chậm từ phía trên và MA nhanh nằm dưới MA giữa. Đóng trạng thái bán khi MA nhanh cắt lên trên MA giữa từ phía dưới.

Nguồn: http://vnexim.com.vn/forum/bai-viet/16463-PTKT-Bai-15-Chi-bao-Duong-trung-binh-dong-Moving-Average-MA-#ixzz3YlQo2YIY

Giới thiệu khái quát các chỉ báo Phân tích kỹ thuật

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Bài14 : Giới thiệu khái quát các chỉ báo Phân tích kỹ thuật

1. Khái niệm chỉ báo kỹ thuật (Technical Indicator):

Chỉ báo kỹ thuật là kết quả tính toán dựa trên giá và/hoặc khối lượng giao dịch và kết quả đó được sử dụng để dự báo những thay đổi về giá.


Chỉ báo kỹ thuật có tên gọi như vậy để phân biệt với các chỉ báo liên quan đến vấn đề phân tích cơ bản như thu nhập, doanh thu, lợi nhuận, chỉ báo kinh tế… Các chỉ báo kỹ thuật được sử dụng chủ yếu bởi các nhà giao dịch ngắn hạn. Đối với nhà đầu tư dài hạn thì hầu hết các chỉ báo kỹ thuật ít có giá trị hơn. Lợi ích hiệu quả nhất của các chỉ báo kỹ thuật đối với nhà đầu tư dài hạn ở chỗ nó giúp xác định các điểm vào trạng thái và thoát trạng thái đối với thị trường chứng khoán khi phân tích xu thế dài hạn.


2. Phân loại chỉ báo kỹ thuật:



Chỉ báo kỹ thuật có thể được chia thành vài loại theo loại dữ liệu mà chỉ báo được tính toán: chỉ báo dựa trên giá, chỉ báo dựa trên khối lượng, chỉ báo tăng/giảm (Advance/Decline) dựa trên dữ liệu tăng/giảm và chỉ báo kết hợp dựa trên giá và khối lượng giao dịch hoặc giá và dữ liệu tăng/giảm. Cách phân loại cũng khá phổ biến là dựa trên sự ám chỉ hoặc loại tín hiệu mà chỉ báo tạo ra:



(1) Chỉ báo dẫn đường (Leading Technical Indicators) là chỉ báo báo hiệu khả năng đảo chiều của xu thế giá trong tương lai. Các chỉ báo dẫn đường thường là các chỉ báo kỹ thuật dựa trên khối lượng giao dịch.



(2) Chỉ báo theo sau (Lagging Technical Indicators) là chỉ báo đi theo sự thay đổi về xu hướng của giá vì thế còn được gọi là chỉ báo theo xu hướng (Trend-following Indicators). Các chỉ báo này gồm Stochastic, MACD …



(3) Chỉ báo thông tin (Informational Technical Indicators) là chỉ báo không dự đoán cũng không đi theo một xu hướng mà chỉ miêu tả thị trường, chỉ số hoặc công cụ tài chính. Các chỉ báo thông tin gồm những chỉ báo như ATR, VIX, ADX được sử dụng để đo sức mạnh của một xu hướng và xác định thị trường không rõ xu hướng (sideways) và một số chỉ báo khác được sử dụng để đo tính biến động.

Một cách phân loại phổ biến nhất như sau:

(1) Chỉ báo xu hướng (Trend Indicators) được dùng để xác định hướng đi và xu thế giá tương lai.

1. Moving Average (MA).
2. MACD.
3. TRIX
4. Parabolic SAR.
5. Directional Movement System
6. Commodity Channel Index (CCI)

(2) Chỉ báo xung lượng (Momentum Indicators) được dùng để xác định tốc độ thay đổi của giá.

1. Relative Strength Index (RSI).
2. Rate of Change (Price).
3. Momentum.
4. Stochastic.
5. Williams %R.

(3) Chỉ báo khối lượng giao dịch (Volume Indicators) được dùng để xác nhận sức mạnh xu thế.

1. Volume Oscillator.
2. On Balance Volume (OBV).
3. Chaikin Oscillator.
4. Money Flow Index.
5. Compare Range and Volume.

(4) Chỉ báo tính biến động (Volatility Indicators) được dùng để xét đoán sức mạnh của xu thế và các điểm phá vỡ (breakout).

1. Bollinger Bands.
2. Volatility.
3. Chaikin Volatility.
4. Volatility Ratio.
5. Average True Range (ATR).

Trong phạm vi này, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu khoảng 10 chỉ báo cơ bản như MAMACDParabolic SARRSIMomentum, Stochastic, William %R, Volume Oscillator, Bollinger Bands, ATR.
(Bài viết chỉ mang tính tham khảo)

Nguồn: http://vnexim.com.vn/forum/bai-viet/16462-PTKT-Bai-14-Gioi-thieu-khai-quat-cac-chi-bao-Phan-tich-ky-thuat#ixzz3YlPqbrUS

Cặp mô hình nến Bullish Morning Star và Bearish Evening Star

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Bài 13: Cặp mô hình Bullish Morning Star và Bearish Evening Star

1. Mô hình Bullish Morning Star


Mô hình Bullish Morning Star (mô hình ngôi sao ban mai tăng giá) bao gồm 3 dạng nến báo hiệu điểm đáy thị trường quan trọng. Nó bao gồm một thân nến giảm giá (màu đen hoặc đỏ) dài theo sau bởi một thân nến nhỏ (màu trắng/xanh hoặc đen/đỏ) giảm giá tạo khoảng trống xuống dưới để hình thành nên ngôi sao. Hai dạng nến này tạo nên mô hình ngôi sao cơ bản. Dạng nến thứ 3 là dạng nến tăng giá có mưc giá đóng cửa nằm trên mức giá đóng cửa của dạng nến ngày thứ nhất. Nến thứ 3 này cho thấy thị trường đã xoay chuyển theo xu hướng tăng giá.


Thị trường đặc trưng theo xu hướng giảm giá (downtrend), xuất hiện một dạng nến giảm giá dài vào ngày thứ nhất, ngày thứ 2 xuất hiện một thân nến nhỏ (tăng giá hoặc giảm giá) tạo khoảng trống xuống dưới theo hướng của xu hướng downtrend, ngày thứ 3 xuất hiện một dạng nến tăng giá.


Dạng nến giảm giá có thân dài cho thấy người đầu cơ giá xuống chi phối thị trường, rồi xuất hiện một thân nến nhỏ ám chỉ người bán không thể đẩy giá thị trường đi xuống. Thân nến tăng giá rõ nét vào ngày thứ 3 chứng tỏ người đầu cơ giá lên đã kiểm soát tình hình. Mô hình Bullish Morning Star lý tưởng sẽ tạo khoảng trống (gap) trước và sau dạng nến nằm giữa. Khoảng trống thứ 2 (giữa dạng nến 2 và 3) thì hiếm song thiếu nó thì không đánh mất sức mạnh của mô hình này. 



Ngôi sao có thể có số lượng 1, 2 hoặc 3. Màu của ngôi sao và những khoảng trống của nó thì không quan trọng. Độ tin cậy của mô hình này rất cao nhưng vẫn cần sự xác nhận dưới hình thức một dạng nến tăng giá với mức giá đóng cửa cao hơn hoặc một khoảng trống đi lên.



2. Mô hình Bearish Evening Star



Mô hình Bearish Evening Star (mô hình ngôi sao ban chiều giảm giá) bao gồm 3 dạng nến báo hiệu điểm đỉnh thị trường đảo chiều. Nó bao gồm một thân nến tăng giá (màu trắng hoặc xanh) dài theo sau bởi một thân nến nhỏ (màu trắng/xanh hoặc đen/đỏ) tạo khoảng trống lên trên để hình thành nên ngôi sao. Thực ra thì hai dạng nến này tạo nên mô hình ngôi sao cơ bản. Sau đó dạng nến thứ 3 là dạng nến giảm giá có mức giá đóng cửa nằm trong thân nến của dạng nến ngày thứ nhất. Nến thứ 3 này rõ ràng cho thấy thị trường đã xoay chuyển theo xu hướng giảm giá.

 

Thị trường đặc trưng theo xu hướng tăng giá (uptrend), xuất hiện một dạng nến tăng giá dài vào ngày thứ nhất, ngày thứ 2 xuất hiện một thân nến nhỏ (tăng giá hoặc giảm giá) tạo khoảng trống lên trên theo hướng của xu hướng uptrend, ngày thứ 3 xuất hiện một dạng nến giảm giá.


Thị trường theo xu hướng uptrend khi xuất hiện dạng nến trắng (hoặc xanh) tăng giá có thân dài cho thấy bản chất tăng giá của thị trường, rồi xuất hiện một thân nến nhỏ ám chỉ người mua không thể đẩy giá thị trường đi lên. Thân nến giảm giá rõ nét vào ngày thứ 3 chứng tỏ người đầu cơ giá xuống đã kiểm soát tình hình. Mô hình Bearish Evening Star lý tưởng sẽ tạo khoảng trống (gap) trước và sau dạng nến nằm giữa. Khoảng trống thứ 2 (giữa dạng nến 2 và 3) thì hiếm song thiếu nó thì không đánh mất sức mạnh của mô hình này. 



Ngôi sao có thể có số lượng 1, 2 hoặc 3. Màu của ngôi sao và những khoảng trống của nó thì không quan trọng. Độ tin cậy của mô hình này rất cao nhưng vẫn cần sự xác nhận dưới hình thức một dạng nến giảm giá với mức giá đóng cửa thấp hơn hoặc một khoảng trống đi xuống (gap down).

Nguồn: http://vnexim.com.vn/forum/bai-viet/16461-PTKT-Bai-13-Cap-mo-hinh-nen-Bullish-Morning-Star-va-Bearish-Evening-Star#ixzz3YlOuWdwj

Cặp mô hình nến Piercing Line và Dark Cloud Cover

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
BÀI 12: CẶP MÔ HÌNH PIERCING LINE VÀ DARK CLOUD COVER

1. Mô hình Bullish Piercing Line 

Mô hình Bullish Piercing Line bao gồm 2 dạng nến báo hiệu sự đảo chiều tại đáy thị trường sau một xu hướng giảm giá. Nó bao gồm một dạng nến giảm giá mạnh có thân nến dài (màu đen hoặc đỏ) vào ngày thứ nhất. Ngày thứ 2 giá mở cửa nằm thấp dưới mức giá thấp nhất của ngày thứ nhất (dưới điểm đáy bóng nến dưới của dạng nến 1). Tuy nhiên sau đó thị trường đóng cửa cao hơn điểm giữa của thân nến ngày thứ nhất hình thành dạng nến tăng giá mạnh.
 Thị trường đặc trưng theo xu hướng giảm giá, xuất hiện một dạng nến giảm giá dài vào ngày thứ nhất, ngày thứ 2 xuất hiện một dạng nến tăng giá có giá mở cửa nằm dưới mức giá thấp nhất của ngày trước đó. Dạng nến thứ 2 này có mức giá đóng cửa nằm trong thân nến ngày thứ nhất và nằm trên điểm giữa thân nến của ngày thứ nhất đó.

Thị trường đi theo xu hướng giảm giá thì xuất hiện dạng nến giảm giá mạnh củng cố xu hướng giảm giá này. Ngày kế tiếp mở cửa thấp tạo khoảng trống cho thấy người đầu cơ giá xuống vẫn còn kiểm soát. Sau đó thị trường bất ngờ đi lên khiến giá đóng cửa tăng và nằm cao hơn so với mức giá đóng cửa ngày trước đó. Người bán đang mất niềm tin và định giá lại trạng thái bán của mình. Người mua tiềm năng bắt đầu nghĩ rằng các mức giá thấp có thể không duy trì được nữa và đã đến lúc vào trạng thái mua.

Với mô hình Bullish Piercing Line thì nếu mức giá đóng cửa của dạng nến tăng giá nhô cao vào thân nến giảm giá trước đó thì cơ hội tạo đáy thị trường tăng lên. Nếu dạng nến tăng giá không đóng cửa trên điểm giữa của dạng nến giảm giá thì tốt nhất nên đợi sự xác nhận dưới hình thức một dạng nến tăng giá với mức đóng cửa cao hơn hoặc một khoảng trống lớn đi lên (gap up) vào ngày giao dịch kế tiếp.

Chú ý: Mô hình Bullish Piercing Line là phiên bản trái ngược với mô hình Bearish Dark Cloud Cover.

2. Mô hình Bearish Dark Cloud Cover

Mô hình Bearish Dark Cloud Cover (mô hình đám mây đen bao phủ giảm giá) bao gồm 2 dạng nến báo hiệu sự đảo chiều tại đỉnh thị trường sau một xu hướng tăng giá. Nó bao gồm một dạng nến tăng giá mạnh có thân nến dài (màu trắng hoặc xanh) vào ngày thứ nhất. Ngày thứ 2 giá mở cửa nằm cao trên mức giá cao nhất của ngày thứ nhất (trên đỉnh bóng nến trên của dạng nến 1). Tuy nhiên sau đó thị trường đóng cửa gần mức giá thấp nhất trong ngày và nằm trong thân nến của ngày trước đó.
Thị trường đặc trưng theo xu hướng tăng giá, xuất hiện một dạng nến tăng giá dài vào ngày thứ nhất, ngày thứ 2 xuất hiện một dạng nến giảm giá có giá mở cửa nằm trên mức giá cao nhất của ngày trước đó. Dạng nến thứ 2 này có mức giá đóng cửa nằm dưới điểm giữa thân nến của ngày thứ nhất.

Thị trường đi theo xu hướng tăng giá thì xuất hiện dạng nến tăng giá mạnh theo sau bởi một khoảng trống cho thấy người đầu cơ giá lên vẫn còn kiểm soát. Tuy nhiên đợt tăng giá không thể tiếp tục và thị trường bất ngờ đóng cửa tại hoặc gần mức giá thấp nhất trong ngày vì thế thân nến ngày thứ 2 đi vào thân nến của ngày trước đó. Người mua phần nào bị dao động và người bán có cơ sở để dừng lỗ tại mức giá cao mới trong ngày.

Nếu mức giá đóng cửa của dạng nến giảm giá nhô sâu vào thân nến tăng giá trước đó thì cơ hội tạo đỉnh thị trường tăng lên. Nếu dạng nến giảm giá không đóng cửa dưới điểm giữa của dạng nến tăng giá thì tốt nhất nên đợi sự xác nhận dưới hình thức một dạng nến giảm giá với mức đóng cửa thấp hơn hoặc một khoảng trống lớn đi xuống (gap down) vào ngày giao dịch kế tiếp.


(Bài viết chỉ mang tính tham khảo)

Nguồn: http://vnexim.com.vn/forum/bai-viet/16460-PTKT-Bai-12-Cap-mo-hinh-nen-Piercing-Line-va-Dark-Cloud-Cover#ixzz3YlNqGfUG
 
Blogger Templates